1/ Tàu chở hàng rời (Bulk carrier)
Là loại tàu có công suất hoạt động lớn, có thể vận chuyển hàng hóa ở dạng thô, khô như: than đá, quặng sắt, ngũ cốc, lưu huỳnh, phế liệu… không có đóng thùng hay bao kiện, được chứa trực tiếp bằng các khoang hàng chống thấm nước của tàu. Loại tàu này thường có một boong, cấu trúc vững chắc, có két hông và két treo ở hai bên mạn, hầm hàng được gia công chắc chắn, chịu được sự va đập của hàng hóa và thiết bị khi làm hàng, miệng hầm rộng rãi, thuận lợi cho việc xếp dỡ hàng.
2/ Tàu chở dầu (Oil tankers)
Tàu này dùng để chở dầu thô và dầu đã chế biến, trong đó dầu thô chiếm 80%. Để bơm dầu vào và ra khỏi tàu, tàu thường được trang bị hệ thống bơm dầu công suất lớn (25.000 m3 /ngày). Tàu có một boong, tải trọng lớn trên 500.000 DWT, chiều dài trên 400m, chiều rộng trên 65m. Tàu dầu thường có nhiều hầm riêng biệt để chứa dầu, vừa để cân bằng tàu, vừa để ngăn không cho dầu chảy ra ngoài trong trường hợp có sự cố. Một tàu dầu cỡ lớn sẽ có tới 30 hầm chứa dầu.
3/ Tàu container (Container ship)
Là phương tiện vận tải biển có cấu trúc đặc biệt để chứa một lượng lớn hàng hóa được xếp trong các loại container khác nhau. Ngày nay, các tàu container vận chuyển 90% lượng hàng hóa trên thế giới (Theo Marine Insight). Sức chở của tàu container thường được thể hiện bằng số TEU có thể xếp lên tàu, dao động từ vài trăm TEU đối với tàu feeder đến trên 10.000 TEU đối với các tàu mẹ. Ðến nay, tàu container được chia thành 6 thế hệ phát triển, có ý nghĩa trong việc đánh giá sự phát triển của công nghệ và sản phẩm tàu container theo thời gian.
4/ Tàu chở hóa chất (Chemical tanker)
Là tàu được thiết kế để vận chuyển hóa chất ở thể lỏng, rời (không đóng thùng). Do yêu cầu bảo đảm chất lượng cho nhiều loại hóa chất khác nhau nên bề mặt các két của tàu được phủ một chất đặc biệt hoặc được làm bằng thép không gỉ. Tùy thuộc vào tính chất của các loại hàng hóa khác nhau mà tàu có thể có hệ thống hâm nóng hàng hóa (heating coils) khi cần thiết.
5/ Tàu chở khí ga tự nhiên (Liquefied natural gas carrier)
Là tàu được thiết kế để vận chuyển khí ga tự nhiên (khí metan). Khí ga được giữ trong trạng thái lỏng bằng cách nén và làm lạnh. Chỗ chứa hàng gồm các két chuyên dụng mà phần trên của két thường nhô lên trên bề mặt boong theo hình vòm hoặc hình trụ.
6/ Tàu Roro (Roro ship):
Roll-on/roll-off (RORO) là phương pháp vận chuyển hàng hóa và phương tiện (như ô tô, xe máy, máy móc...) trên tàu biển. Hàng hóa và phương tiện được kéo hoặc tự di chuyển lên và xuống tàu thông qua cầu dẫn nghiêng (ramp) mà không cần sử dụng các thiết bị nâng hạ phức tạp.
7/ Tàu bách hóa (General cargo vessels)
Là tàu chỉ dùng để chuyên chở hàng tạp hóa (hàng được đóng trong thùng, hộp, bao tải hoặc sắp xếp riêng ở một vị trí cố định như: máy móc, thiết bị công nghiệp, tấm kim loại…). Tàu có thể vận chuyển đa dạng loại hàng hóa tuy nhiên không tận dụng được hết khả năng chuyên chở, không chở được các mặt hàng chuyên dụng.
8/ Tàu chở súc vật sống (Cattle carrier)
Là tàu chuyên chở động vật sống, có khu vực ăn cho động vật, một số tàu còn có các khu vui chơi ngoài trời cho gia súc.