TÌM HIỂU VỀ TÀU NEO PANAMAX VÀ FEEDER
1/ Tàu Neo-Panamax: Là loại tàu chở hàng có kích thước và trọng tải trong quy định, có thể đi qua kênh đào Panama.
– Kênh đào Panama được đưa vào sử dụng từ năm 1914, có độ dài 77 km, nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương thông qua vùng eo đất hẹp ở nước Panama, khu vực Trung Mỹ. Tuy nhiên do địa hình eo hẹp, không bằng phẳng nên kênh đào này phải sử dụng hệ thống âu thuyền để nâng và hạ các con tàu lên những mực nước khác nhau. Chính kích thước của các âu thuyền này quyết định độ lớn của con tàu có thể đi qua kênh đào Panama.
– Từ tháng 6/2016, kênh đào đưa vào sử dụng hệ thống âu thuyền mới, thuật ngữ Neo-Panamax ra đời để chỉ những loại tàu có kích thước tối đa có thể đi qua hệ thống này. Theo đó, các con tàu dài 366 mét, rộng 49 mét và mớn nước 15,2 mét trở xuống có thể đi qua kênh đào, tương ứng với lượng hàng hóa 13.000 TEU hay 120.000 tấn.
2/ Tàu gom hàng (feeder): Là loại tàu nhỏ, thông thường có tải trọng từ 300 đến 1.000 TEU. Những tàu này chở container từ các bến, cảng nhỏ tập trung về một bãi hoặc cảng lớn để đưa lên các tàu chở container có tải trọng lớn. Tàu gom hàng có thể là tàu chạy trên biển ở những chặng đường ngắn, hoặc tàu chạy trên sông, hoặc tàu sông pha biển.
Tại Việt Nam, do các cảng nhỏ ở miền Bắc, miền Trung hoặc Đồng bằng sông Cửu Long không có tuyến hàng hóa quốc tế nên hàng hóa xuất nhập khẩu phải được tàu gom hàng đưa về các cảng lớn (như: Hải Phòng, Tiên Sa, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, Cát Lái) để xếp lên các tàu lớn hơn. Một số tàu từ các cảng Việt Nam đi thẳng châu Âu, châu Mỹ hoặc Đông Bắc Á, nhưng một số tàu lại ghé qua các cảng Singapore, Hong Kong, Port Klang, Thượng Hải… để chuyển sang các tàu lớn hơn.
Nguồn: Hỏi đáp về Logistics – Trần Thanh Hải (NXB Công Thương)