Bắt đầu từ tổ hợp cơ khí ô tô - chế biến nông sản, tỷ phú Trần Bá Dương từng bước hình thành một trung tâm sản xuất - đóng gói - phân phối - tiêu thụ xuyên biên giới tại Quảng Nam.
Hội nhập kinh tế và sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng quốc tế sang Việt Nam là cơ hội vàng để Trường Hải-Chu Lai sẵn sàng nắm bắt bằng chiến lược đầu tư mở rộng qui mô sản xuất, xây dựng kho bãi và đầu tư cảng biển cùng hệ thống giao thông khớp nối liên vùng và xuyên biên giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định: "Đây là những nhiệm vụ cốt lõi mà Trường Hải-Chu Lai cùng chính quyền tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh đầu tư hạ tầng khung chiến lược khớp nối giao thông đường biển-đường hàng không và đường bộ".
Chiến lược đồng bộ hóa hệ thống, xây dựng chuỗi dịch vụ logistics trọn gói để tiết kiệm chi phí, thời gian và thuận tiện trong xuất khẩu hàng hóa ra thế giới đang là nhu cầu bức thiết trong giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Bắt đầu từ tổ hợp cơ khí ô tô-chế biến nông sản, tỷ phú Trần Bá Dương từng bước hình thành một trung tâm sản xuất-đóng gói-phân phối-tiêu thụ tối ưu hóa trong hệ thống sản xuất được xây dựng gần 2 thập kỷ qua tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam…
Ngay tại Khu kinh tế mở Chu Lai, sau hơn 1 thập kỷ đầu tư, một Trung tâm Giao nhận - Vận chuyển quốc tế trọn gói hình thành tại khu vực miền Trung do Công ty TNHH Giao nhận - Vận chuyển quốc tế Trường Hải - THILOGI (Tập đoàn thành viên trực thuộc THACO) đi tiên phong cung ứng dịch vụ logistics trọn gói hàng đầu khu vực.
Chủ tịch Tập đoàn Thaco Trần Bá Dương khẳng định mô hình tích hợp tổng thể các dịch vụ riêng lẻ gồm vận tải đường bộ, vận tải biển, vận tải xuyên biên giới, dịch vụ cảng biển (cảng Chu Lai), hệ thống kho ngoại quan, kho hàng, kho lạnh… tạo thành chuỗi dịch vụ logistics trọn gói là giải pháp tối ưu với chi phí hợp lý đang được đầu tư xây dựng suốt nhiều năm nay và đang được vận hành giúp doanh nghiệp giải bài toán trong xuất nhập khẩu.
Đưa tay chỉ trên bản đồ khu vực, ông Dương nói về khát vọng nếu được đầu tư đúng mức, khu vực cảng biển nằm ngay trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hạ tầng giao thông hoàn chỉnh,sẽ biến thành cảng trung chuyển hàng hóa, kết nối trực tiếp đến các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn tại miền Trung, Tây Nguyên thông qua các cửa khẩu quốc tế các nước nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây.
Hơn 1 thập niên đầu tư cảng Chu Lai với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, chuỗi dịch vụ cảng đa dạng, khai thác nhiều chủng loại hàng hóa như hàng container, hàng lỏng, khí, hàng rời, hàng siêu trường, siêu trọng… Hiện tỉnh Quảng Nam và Thaco chủ trương đầu tư mở rộng bến cảng nước sâu để đón tàu 5 vạn tấn.
Tại cuộc làm việc với Quảng Nam vào tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau khi khảo sát đã đánh giá cảng Chu Lai nếu được đầu tư đúng mức có thể trở thành cảng trung chuyển quan trọng cho các tỉnh Tây Nguyên và các nước trong khu vực trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Thủ tướng yêu cầu Quảng Nam làm việc với Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu nhanh chóng quyết định đầu tư mở rộng bến cảng để đón tàu 5 vạn tấn.
Không chỉ mở rộng cảng biển, Thủ tướng đã thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư hai tuyến đường nối từ Khu kinh tế mở Chu Lai lên cửa khẩu quốc tế Nam Giang và đường cao tốc kết nối Quảng Nam với Kon Tum lên cửa khẩu Quốc tế Bờ Y-Kon Tum tạo điều kiện thuận lợi cho vùng Tây Quảng Nam và Tây Nguyên .
Đây là hai trục giao thông xương sống khớp nối với tuyến hành lang kinh tế Đông Tây được cho là ngắn nhất từ các nước trong khu vực về cảng biển Chu Lai để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Một Trung tâm Giao nhận - Vận chuyển quốc tế trọn gói hình thành tại khu vực miền Trung do Công ty TNHH Giao nhận - Vận chuyển quốc tế Trường Hải - THILOGI đi tiên phong cung ứng dịch vụ logistics trọn gói hàng đầu khu vực.
Mặc dù hệ thống giao thông khớp nối từ cảng Chu Lai lên Tây Nguyên, xuyên biên giới chưa được đồng bộ và khai thông như chỉ đạo của Thủ tướng. Nhưng từ nhiều năm nay, Tập đoàn THILOGI thuộc Thaco đã làm nhiều điều không tưởng từ một cảng biển nhỏ với tàu 4 vạn tấn đó là xây dựng các giải pháp logistics tối ưu, an toàn, tiết kiệm chi phí, chủ động kết nối hàng hóa thông qua các trung tâm, trạm giao nhận - vận chuyển, depot trên cả nước và các cửa khẩu quốc tế tạo thành mạng lưới logistics rộng khắp, xuyên suốt phục vụ khách hàng.
Đồng thời khai thác đa dạng các mặt hàng, tăng lưu lượng vận chuyển hàng hóa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực.