(Xuân Quý Mão) - Cùng với quá trình hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, việc hình thành hệ thống dịch vụ, tổng kho trung chuyển hàng hóa tại các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu Quảng Nam không chỉ mang đến cơ hội cho doanh nghiệp mà còn tạo lập vị thế điểm đến trong hoạt động logistics miền Trung.
Hạt nhân cảng Chu Lai
Sau nhiều năm phải vận chuyển nguyên liệu bằng xe bồn từ miền Nam ra Quảng Nam, năm 2019, Công ty CP Đầu tư và sản xuất Petro miền Trung (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn) bắt đầu nhập hàng trực tiếp về cảng Chu Lai (Tam Hiệp, Núi Thành). Đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Lãng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và sản xuất Petro miền Trung chia sẻ, yếu tố quyết định sự dịch chuyển này chính là hình thành kho chứa tại cảng Chu Lai, qua đó giúp doanh nghiệp tiết giảm khá nhiều chi phí.
“Hàng của công ty là hàng đặc chủng liên quan đến kho bãi nên việc xây dựng kho chứa tại cảng rất quan trọng. Từ khi có kho chứa, hàng về nhà máy nhanh chóng, thuận lợi hơn, giá thành nguyên liệu công ty cũng giảm hơn 10% so với vận chuyển từ miền Nam ra” - ông Lãng nói.
Nằm ở trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cảng Chu Lai có vị trí giao thông thuận lợi, kết nối trực tiếp quốc lộ 1, đường ven biển, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN) lớn như KCN Tam Thăng, KCN Bắc Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).
Đặc biệt, kết nối với Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Những năm qua cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cảng Chu Lai được đầu tư mạnh theo hướng phát triển chuỗi dịch vụ trọn gói, đồng thời có khả năng khai thác đa chủng loại hàng hóa, công suất khoảng 4 triệu tấn/năm.
Cùng với đó, hệ thống kho bãi được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và phân chia theo từng khu vực chuyên dụng, gồm kho ngoại quan, kho hàng, kho lạnh, bãi container…, từng bước trở thành trung tâm logistics lớn phục vụ nhu cầu giao nhận, vận chuyển, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tại miền Trung, Tây Nguyên.
Thực tế, phát triển chuỗi logistics ngoài dịch vụ, nhân lực, thì cơ sở hạ tầng rất quan trọng, nhất là hạ tầng cảng biển, sân bay. Trong chuyến khảo sát và làm việc với tỉnh Quảng Nam tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Quảng Nam xúc tiến quy hoạch cảng Chu Lai thành cảng loại I, đầu tư tuyến luồng mới Cửa Lở đảm bảo tàu tải trọng lớn 5 vạn tấn ra vào thuận lợi, phát triển cảng thành trung tâm logistics hàng hải....
Đến cuối năm 2022, đơn vị tư vấn cũng hoàn thiện báo cáo quy hoạch chi tiết gửi UBND tỉnh để cập nhật về quy hoạch cảng biển trước khi báo cáo đề xuất đầu tư thành một dự án lớn trình Chính phủ phê duyệt.
Kết nối chuỗi logistics
Có thể khẳng định, logistics đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này cần giải quyết bài toán về chính sách, hạ tầng và nhân lực, đặc biệt hạ tầng hàng hải và hàng không.
Tại sân bay Chu Lai, hiện có 4 hãng hàng không (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airway) khai thác các đường bay; trung bình 16 - 20 chuyến/ngày. Theo quy hoạch, Chu Lai sẽ là sân bay quốc tế cấp 4E và sân bay quân sự cấp I vào năm 2030 với công suất 5 triệu lượt hành khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Việc hình thành các trung tâm công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô sẽ tạo ra chân hàng đảm bảo cho hoạt động logistics tại cảng Chu Lai. Ảnh: VĨNH LỘC
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương phân tích, để phát triển hệ thống logistics cần nhìn vào hai góc độ gồm cơ sở hạ tầng (hệ thống giao thông, cảng biển, đường không…) và dịch vụ logistics.
Cảng Chu Lai sau nâng cấp sẽ đóng vai trò bãi container gắn với chuỗi kho lạnh (khác với cảng Dung Quất vận chuyển hàng rời phục vụ cho dầu khí và thép, còn cảng Đà Nẵng hướng tới du lịch).
Ngoài ra, yếu tố rất quan trọng của chuỗi logistics cảng Chu Lai chính là đảm bảo hàng vận chuyển hai chiều. Điều này cũng được đáp ứng khi Quảng Nam thành lập trung tâm công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô khiến lượng vật tư thép cũng như phụ kiện ô tô nhập từ các nước trên thế giới về Chu Lai sẽ gia tăng.
“Trong hoạt động logistics, việc tạo chân hàng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của cảng biển. Cảng Chu Lai có lợi thế lớn nhờ nguồn chân hàng từ tập đoàn THACO. Những lô hàng ô tô, linh kiện, nông sản… của THACO đều đặn xuất nhập khẩu qua cảng đã góp phần giải quyết khó khăn về thiếu vỏ container trong đối lưu hàng xuất nhập khẩu, giúp giảm chi phí, rút ngắn thời gian, mang lại lợi ích kép cho khách hàng” - ông Dự nói.
Bên cạnh cảng biển Quảng Nam, việc xây dựng cảng hàng không Chu Lai theo hướng đô thị sân bay cũng đang được xúc tiến (Chính phủ đã thống nhất về chủ trương), đây được xem là cảng hàng không nhiều tiềm năng, mở ra hướng logistics hàng không tại Quảng Nam.
Theo ông Đặng Bá Dự, ngoài các khu phi thuế quan và những vị trí dưới cảng, tỉnh cũng cần định hướng quy hoạch hệ thống cảng cạn để Quảng Nam có chuỗi kho lạnh gắn kết thị trường với Lào, Đông Bắc Thái Lan về Quảng Nam, phát huy hành lang kinh tế Đông Tây của tỉnh thông qua tuyến quốc lộ 14D.
“Trung ương đã duyệt cho Quảng Nam xây dựng một kho bãi phục vụ logistics trên hành lang kinh tế Đông Tây khoảng 20ha và tỉnh đang xây dựng lộ trình triển khai để đồng bộ với giao thông và các yếu tố khác.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang tìm doanh nghiệp đầu tư chợ đầu mối nông sản có thể kết hợp với kho cảng cạn bên cạnh quốc lộ 14E (gần nút giao lên đường cao tốc huyện Thăng Bình). Tất nhiên, hoàn thiện hạ tầng logistics không phải một sớm một chiều mà phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Nói chung, bây giờ quy hoạch đã thấy, chủ trương cũng đã có, chỉ còn tổ chức thực hiện, nhưng đây là một quá trình” - ông Dự chia sẻ.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/thuong-mai-dich-vu/trien-vong-trung-tam-logistics-137610.html