Ngày 26/11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến về kết quả nghiên cứu, đề xuất Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề xuất đầu tư luồng cảng biển nước sâu theo quy hoạch. Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO), ông Bùi Minh Trực - Tổng Giám đốc THILOGI và ông Nguyễn Hoàng Tuệ - Tổng giám đốc THADICO đã tham dự hội thảo.
Hội thảo đã nghe các đơn vị tư vấn trình bày các báo cáo: Kết quả nghiên cứu đề xuất Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch cảng cạn tại Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang gắn với cảng biển Quảng Nam; Nghiên cứu kết quả chế độ thủy động lực học, đề xuất đầu tư dự án tuyến luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: “Quảng Nam là một trong những địa phương có tốc độ phát triển lượng hàng hóa qua cảng khá của cả nước. Sự phát triển này đặt ra yêu cầu đối với việc đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực tiếp nhận của cảng, không chỉ cho Khu kinh tế mở Chu Lai mà còn cho cả khu vực miền Trung và Hành lang kinh tế Đông Tây trong tương lai. Tuy nhiên luồng cảng biển hiện nay chỉ đáp ứng cho tàu 2 vạn tấn và không thể đầu tư ở mức độ lớn hơn. Vì vậy, theo Quyết định 1737 của Thủ tướng Chính Phủ về điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã đồng ý đầu tư một luồng mới cho tàu 5 vạn tấn ở tại khu vực Cửa Lở”.
Đại diện Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết, dự án tuyến luồng Cửa Lở là kết cấu hạ tầng hàng hải quan trọng có tính chất quyết định đến định hướng phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai. Việc thành lập đề xuất dự án trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư là rất cần thiết, làm cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, triển khai các dự án đầu tư cảng, đô thị cảng, cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam và khu vực.
Theo đề xuất, tuyến hàng hải Cửa Lở dài 6km, rộng 140m, cao độ đáy nạo vét -13,2m, khối lượng nạo vét hơn 20 triệu m3, xây kè chắn cát 2.090m, kè bảo vệ bờ 2.245m, báo hiệu hàng hải gồm 14 phao báo hiệu. Đây sẽ là tuyến luồng cho các tàu trọng tải lớn vào các bến cảng tổng hợp, container. Luồng Cửa Lở đầu tư trực tiếp gắn với khu phi thuế quan 774 ha để hình thành một dự án đồng bộ, gắn kết hỗ trợ trong quá trình đầu tư và vận hành khai thác.
Tại hội thảo, các chuyên gia hàng hải, nhà khoa học cho rằng, cần có tầm nhìn xa, xem xét về nguồn hàng vận chuyển, chủng loại, kích thước, trọng tải tàu, kết nối giao thông… để có giải pháp quy hoạch phù hợp theo xu thế phát triển hàng hải trên thế giới trong tương lai. Nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá kỹ về trường sóng, dòng chảy trong điều kiện gió lớn bảo đảm điều kiện hàng hải cho tàu trên luồng; mức độ ổn định của tuyến luồng thông qua tính toán kết quả sa bồi luồng tàu trung bình hằng năm, từng mùa, chi phí nạo vét; đánh giá về tác động của luồng đến xói lở, bồi đắp đường biển cũng như khả năng thoát lũ...
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho rằng, hệ thống cảng biển Quảng Nam trong thời gian qua tăng trưởng đáng khích lệ với mức tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 16%. Số lượng các tàu lớn ra vào ngày càng tăng, đặc biệt khu vực cảng biển Kỳ Hà, Tam Hiệp còn có vai trò làm khu neo đậu tránh trú bão. “Chúng tôi đánh giá cao việc tỉnh Quảng Nam chủ động nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án tuyến luồng Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn vào cảng Tam Hiệp từ nguồn vốn của doanh nghiệp. Đề nghị Quảng Nam và các đơn vị tư vấn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt triển khai đầu tư tuyến luồng Cửa Lở; không chỉ đề xuất xây dựng tuyến luồng, mà còn đề xuất tổng thể toàn diện về quy hoạch, đầu tư bến cảng, khu phi thuế quan, khu hậu cần… Đồng thời đơn vị tư vấn cần nghiên cứu thêm về tiến độ và phương án phân kỳ đầu tư để mang lại tính hiệu quả” - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Với những ý kiến, quan điểm mang tính toàn diện, khách quan của các nhà quản lý, chuyên gia, cơ quan khoa học đầu ngành về lĩnh vực hàng hải, tài nguyên môi trường, đầu tư, xây dựng, thủy văn… hội thảo đã có thêm cơ sở khoa học để hoàn thiện kết quả nghiên cứu trước khi gửi cho Cục Hàng hải Việt Nam trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nội dung quy hoạch.